Saturday, July 16, 2011

NGƯỜI ĐÀN ÔNG TRỒNG BÍ NGÔ.

Tôi báo với Caroline là tôi sẽ ăn tối ở Fernly- nhà của ông Ackroyd. Tuy nhiên, chị ấy tỏ ra khá bình thản:
"Tốt đấy. Rồi cậu sẽ được dịp nghe toàn bộ câu chuyện mà thôi. À, tiện thể cho chị hỏi, Ralph bị sao thế?"
"Ralph à?"- Tôi ngạc nhiên. "Ralph có bị sao đâu."
"Thế tại sao cậu ấy không về nhà mà lại ở khách sạn Three Boars?"
Tôi không hề nghi ngờ về độ "xác thực" của những gì Caroline vừa nói. Ngược lại, nó càng làm tôi tin chắc rằng giả thuyết của mình là không sai.
"Ackroyd nói với em là Ralph đang ở London."- Tôi nói. Tôi không hiểu sao lần này tôi lại phá vỡ quy tắc "kín miệng với Caroline" của mình.
"Ồ"- Caroline thốt lên. Tôi có thể thấy rõ mũi của chị ấy đang chuyển động qua lại như đang đánh mùi.
"Ralph tới khách sạn Three Boars sáng hôm qua."- Caroline tiếp. "Và cậu ấy vẫn đang ở đó. Tối qua cậu ấy ra ngoài với một cô gái nào đó.
Chuyện này không hề làm tôi ngạc nhiên chút nào. Thật ra Ralph lúc nào chả đi ra ngoài với một cô gái.

Friday, July 8, 2011

CHƯƠNG 2: NHỮNG CON NGƯỜI CỦA LÀNG KING'S ABOTT (PHẦN CUỐI)

   
      Mãi đến khi tôi chạm mặt ông Roger Ackroyd trên đường, tôi mới thôi suy nghĩ về chi tiết kì lạ ấy.
     "Sheppard!"- Ackroyd reo lên. "Thật may là tôi gặp anh ở đây. Chuyến đi sáng nay đúng là vô ích hả?"
     "Ông hay tin rồi sao?"
     Ackroyd gật đầu. Tôi tin chắc tin bà Ferrars mất đã giáng một đòn dữ dội lên tim ông Ackroyd. Đôi má hồng hào thường ngày của ông đã hóp vào ít nhiều. Và ông trông có vẻ như đang sụp đổ.
     "Còn tệ hơn anh biết nữa kia, Sheppard ạ. Nghe này, tôi cần nói chuyện với anh. Anh có thể đi với tôi một chốc có được không?"
     "Căng đây, thưa ông. Thật ra tôi còn ba bệnh nhân đang chờ đợi, và tôi phải quay về phòng khám trước mười hai giờ cho một ca phẫu thuật."
     "Vậy trưa này, à không, tốt nhất là tối nay, chúng ta cùng ăn tối. Bảy giờ rưỡi ổn chứ?"
     "Vâng, bảy giờ rưỡi thì không vấn đề gì. Nhưng, thưa ông Ackroyd, lại có chuyện gì sao? Lại là Ralph à?"
     Tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại chột miệng nhắc tới Ralph. Có lẽ tôi đã nghĩ về cậu ấy quá nhiều từ sáng nay.
     Ackroyd nhìn tôi trân trân, như thể ông ấy đang không hiểu tôi nói gì. Tôi bắt đầu nhận ra rằng, có lẽ đã có chuyện gì không đúng đang xảy ra đâu đây. Tôi chưa bao giờ thấy thái độ này từ ông Ackroyd, cho đến giờ phút này.
     "Ralph?"- Ông ấy mấp máy môi. "Ồ không, không phải Ralph. Ralph đang ở London- Ồ, chết thật. Gannet đang tới. Tôi không muốn bà ta biết về chuyện này. Thôi, gặp anh tối nay nhé Sheppard. Bảy giờ rưỡi."
     Tôi gật đầu. Ackroyd nhanh chóng đi khỏi, để mặc tôi với đống suy nghĩ lộn xộn. Ralph đang ở London? Nhưng rõ ràng tôi đã thấy Ralph tối qua. Có thể cậu ấy đã rời King's Abott tối qua, hoặc sáng sớm hôm nay. Tuy nhiên thái độ của Ackroyd khiến tôi phải nghĩ khác. Ông ấy ra vẻ như Ralph chưa bao giờ quay lại King's Abott từ cả mấy tháng nay.
     Tôi không còn thời gian để tự suy đoán lung tung nữa. Bà Gannet đang ở trước mặt tôi, thèm khát thông tin như bọn kí giả. Tính tình bà Gannet thì giống hệt chị Caroline. Được cái bà ấy không đưa ra những kết luận vớ vẩn từ đống tin đồn của chính mình.
     Tôi chỉ không hiểu, chẳng lẽ viêc bà Ferrars đáng thương chết đi lại không phải là chuyện nên buồn? Mọi người trong làng đang truyền tai nhau rằng, bà Ferrars là một con nghiện thâm căn. Chẳng lẽ mọi người không thấy việc đó rất nhẫn tâm? Tuy nhiên, tệ hại nhất là, trong đống tin đồn hỗn tạp này, ít nhiều cũng có vài phân sự thật lẫn lộn trong ấy. Không có lửa thì làm sao có khói. Họ còn nói rằng, ông Ackroyd đã phát hiện ra điều đó, nên ông ấy đã hủy hôn với bà Ferrars (Lạy chúa tôi, bây giờ còn xuất hiện cả một lời đính hôn!). Bà Gannet bảo bà có chứng cứ chứng minh lời hứa hôn đó. Và bà ta nói rằng, tôi đã biết tất cả những gì mọi người biết- vì tôi là bác sĩ- nhưng bác sĩ thì sẽ không bao giờ hở miệng với ai.
     Và bây giờ thì bà ta đang đứng trước mặt tôi dò xét. May mắn cho tôi. Việc sống lâu ngày với Caroline đã luyện cho tôi một tinh thần thép và đôi môi "nói không với mọi tin đồn." Tôi khuyên bà Gannet đừng nên "dấn thân" mình vào những thông tin không chắc chắn đó. Trước khi bà ta kịp hỏi thêm điều gì, tôi đã nhanh chóng lẻn nhanh về phía trước.
     Tôi trở về nhà trong trạng thái băn khoăn. Tuy vậy, khá đông bệnh nhân đang chờ tôi trong phòng khám. Sau khi tôi chào tạm biệt bệnh nhân cuối cùng, tôi bước ra vườn sau để thở nhanh bầu không khí trong lành. Rất nhanh sau đó, tôi được thông báo rằng vẫn còn một bệnh nhân đang ngồi ở phòng chờ. Tôi quay trở vào trong.
     Thật ngạc nhiên khi người đó lại là Russel- cô quản gia của gia đình Ackroyd.
     Russel khá cao ráo và xinh đẹp. Dẫu vậy, cái nét nghiêm khắc và khó tính vẫn không chạy đâu được ra khỏi gương mặt ấy. Russel có đôi mắt sắc lạnh và cái môi thì lúc nào cũng mím chặt. Đến nỗi, nếu tôi là người làm dưới trướng của Russel trong nhà Ackroyd, tôi sẽ chạy trối chết mỗi khi nghe tiếng cô ta tiến lại gần.
   
     Russel đứng dậy và cúi đầu:
     "Chào bác sĩ. Tôi sẽ rất biết ơn nếu ông có thể xem qua đầu gối của tôi."
     Tôi nghiêng đầu nhìn, nhưng, thành thật mà nói, tôi thấy mình thực sự khờ khạo khi làm thế. Một vết trầy xước nhẹ hoàn toàn đối lập với cá tính của Russel. Tôi đã nên nghi ngờ rằng đây chỉ là cái cớ để Russel có dịp tiếp cận tôi, và dò hỏi về chuyện của bà Ferrars.
     Tuy nhiên, tôi đã lầm. Russel thật có nhắc đến cái chết của bà Ferrars. Nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc "nhắc đến." Cô ấy có vẻ chỉ nấn ná cho một cuộc nói chuyện đơn thuần hơn.
     "Cảm ơn bác sĩ rất nhiều về chai dầu xoa. Mặc dù tôi không nghĩ nó sẽ giúp được gì nhiều."
     Tôi cũng không nghĩ nó sẽ làm được kì tích gì cho vết xước của Russel. Nhưng dù sao tôi cũng là bác sĩ, và chữa bệnh là nhiệm vụ của tôi.
     "Tôi không tin thuốc giảm đau," Russel vừa nói vừa liếc nhìn lọ thuốc trên bàn của tôi. "Chúng gây hại nhiều hơn. Hãy nhìn những người nghiện cocain thì biết."
     "Thật ra thì, miễn sao cô đừng lạm dụng..."
     "Chúng rất thịnh hành trong giới thượng lưu." Russel cắt lời tôi.
     Tôi chắc Russel biết nhiều về giới thượng lưu hơn tôi. Tôi cũng chẳng muốn tranh cãi với cô ấy.
    "Nhưng hãy cho tôi biết, bác sĩ à. Giả như ông là một con nghiện, thì liệu có cách gì để cai nghiện không?"
     Người ta không thể trả lời câu hỏi này ngay lập tức. Tôi giảng giải cho cô ấy một số kiến thức cơ bản về thuốc phiện, và có vẻ như cô ấy rất chú tâm lắng nghe. Đến giờ phút này tôi vẫn tin rằng Russel đang cố moi tin về bà Ferrars.
     "Ví dụ như thuốc ngủ..." Tôi tiếp tục giảng giải.
     Nhưng lạ thay, Russel tỏ ra chẳng mấy hứng thú về thuốc ngủ. Thay vào đó, cô ta nhanh chóng đổi chủ đề. Russel hỏi tôi liệu thật sự có những loại thuốc độc mà y học vẫn gặp khó khăn để phát hiện.
     "Ah!"- Tôi nói- "Cô đã đọc quá nhiều truyện trinh thám rồi, cô Russel ạ."
    Cô ấy gật đầu chấp nhận.
    "Cái cốt lõi của đống truyện trinh thám ấy- Tôi nói- là thể nào cũng có vài ba loại độc dược như thế. Có thể những loại độc ấy xuất phát từ Nam Phi, từ một tộc người lạc hậu. Họ tẩm chúng vào tên bắn và dùng để đi săn. Con mồi chết ngay lập tức. Và y học phương tây vẫn đang bó tay trong việc phát hiện chúng. Liệu đó có phải là điều cô muốn biết?"
    "Vâng. Nhưng liệu chúng có thật không?
     Tôi lắc đầu tiếc nuối.
    "Tôi sợ là không có đâu, cô Russel ạ. Nhưng chúng ta có cuare, dĩ nhiên."
     Tôi lại tiếp tục giảng giải những lợi thế của chất cuare. Nhưng có vẻ cô Russel lại mất hứng thú một lần nữa.Cô ấy hỏi liệu tôi có viên cuare nào trong khay thuốc của tôi không, nhưng tôi lại lắc đầu.
     Russel đứng dậy chào tạm biệt. Tiếng chuông giờ ăn trưa điểm ngay lúc tôi thấy Russel bước ra khỏi cửa.
    Tôi đã không nên nghi ngờ cái sở thích đọc truyện trinh thám của Russel. Ngược lại, tôi lại thấy thú vị khi tưởng tưởng ra việc cô ấy rũ bỏ cái vỏ nghiêm khác bên ngoài, trốn vào phòng riêng và nghiền ngẫm cuốn "Bí ẩn của bảy cái chết", hay đại loại như thế.
[To be continued]

Friday, December 17, 2010

Chương 2. Những con người của làng King's Abbot (phần 1)


     Trước khi trở lại với câu chuyện mà tôi và Caroline đã bàn luận, tôi nghĩ mình cũng nên giới thiệu chút ít về "vị trí địa lý" nơi ở của chúng tôi. Làng King's Abbot, như tôi hay tưởng tượng hồi bé, cũng giống như những ngôi làng bình thường khác. Trung tâm thị trấn của làng là Cranchester, cách xa nhà tôi khoảng chín dặm. Chúng tôi có đường xe lửa to, một bưu điện bé nhỏ, và hai cửa hàng bách hóa xưa nay vẫn cạnh tranh nhau. Những thanh niên trai tráng trong làng thường rời bỏ quê từ khi còn rất trẻ, để lại cho King's Abbot hằng hà sa số thiếu nữ chưa chồng và quân nhân nghỉ hưu. Vì "hoàn cảnh" đó cho nên thú vui tiêu khiển của chúng tôi chỉ có thể tóm gọn lại trong bốn từ: "ngồi lê đôi mách"
     Một trong hai ngôi nhà to và uy nghi nhất trong làng là King's Paddock nằm bên trái nhà  ông bà quá cố Ferrars. Ngôi nhà thứ hai được gọi là Fernly Park thuộc sở hữu của ông Roger Ackroyd. Ackroyd là một người đàn ông thú vị. Thú vị nhất ở chỗ ông ấy giống người cận vệ hiệp sĩ hơn bất kì người cận vệ hiệp sĩ nào trong cả nước. Ngoại hình ông ấy luôn nhắc tôi nhớ đến những gã luôn xuất hiện ngay trong màn đầu của một vở nhạc hài kịch lỗi thời. Trong màn xuất hiện đó, họ sẽ luôn hát một bài hát về việc đi đến London. Nhưng tiếc thay hiện nay người ta chỉ còn chuộng thể loại kịch thời sự. Nhạc hài kịch từ lâu đã đi vào quên lãng.
     Tất nhiên Ackroyd không phải là diễn viên hề. Ngược lại ông ta lại là một thương gia rất thành công trong ngành chế tạo bánh xe bò. Ackroyd chắc cũng đã gần năm mươi nhưng lúc nào trông cũng vui vẻ ôn hòa với gương mặt hình ru-bi. Sự ôn hòa cởi mở ấy còn thể hiện nhất là khi ông luôn cộng tác với cha sứ trong việc gây quỹ giúp dân nghèo trong làng, mặc dù có khá nhiều lời đồn đại rằng Ackroyd vốn là một tên nhà giàu ki bo khư khư ôm của. Nhưng hơn ai hết tôi tin Ackroyd là đại diện xứng đáng cho cuộc sống lẫn tâm hồn của cả làng King's Abbot.
     Năm Ackroyd hai mươi mốt tuổi, ông yêu và cưới một người phụ nữ xinh đẹp lớn hơn mình sáu tuổi. Tên bà ấy là Paton. Paton vốn là góa phụ một con trước khi gặp Ackroyd. Cuộc hôn nhân này được kể lại khá ngắn gọn và mang mùi đau thương. Nói trắng ra thì Paton là một con nghiện rượu hết đường cứu chữa. Và thật vậy, bà ấy đã rất thành công trong việc uống tới tận quan tài của mình. Năm Paton qua đời, con trai riêng của bà ấy- Ralph Paton- chỉ mới lên bảy tuổi.
     Nhiều năm sau cái chết của người vợ nhưng Ackroyd chưa bao giờ có ý định tiến tới cuộc hôn nhân thứ hai. Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc không biết cuộc sống của Ralph từ sau năm bảy tuổi sẽ như thế nào. Thật ra cậu ấy được ông  Ackroyd xem như con ruột đã lâu, mặc dù Ralph vẫn luôn là nguồn cơn những lo lắng và phiền muộn của ông ấy. Hiện giờ Ralph đã là cậu thanh niên hai mươi lăm tuổi đẹp mã và phong lưu có tiếng của làng King's Abbot.
     Như tôi đã nói ở trên, người dân trong làng lúc nào cũng phấn khởi với việc ngồi lê đôi mách. Từ lâu họ đã nhận thấy rằng Ackroyd và bà Ferrars là một đôi khá thân thiết với nhau. Nhất là sau khi ông Ferrars qua đời, tình cảm gắn bó giữa họ càng trở nên khắng khít. Và việc bà Ferrars sẽ trở thành bà Roger Ackroyd ngay sau khi mãn tang chồng đã trở thành điều hiển nhiên trong mắt người làng. Nói cho cùng thì đây cũng là điều hợp lẽ. Vợ ông Ackroyd chết vì rượu và rượu cũng là nguyên nhân cho cái chết của chồng bà Ferrars. Cho nên việc hai "nạn nhân gián tiếp" của chứng nghiện rượu xích lại gần nhau để tìm kiếm sự đồng cảm là điều dễ hiểu. 

     Tuy nhiên bà Ferrars không phải tin đồn duy nhất ông Ackroyd vướng phải trong suốt cuộc đời mình. Vợ chồng Ferrars chỉ mới dọn đến King's Abbot gần một năm, trong khi dư luận nhắm vào chuyện tình cảm của Ackroyd đã xuất hiện từ rất lâu trước đó. Đã có rất nhiều nữ quản gia làm việc cho gia đình Ackroyd trong khoảng thời gian Ralph dần thoát khỏi lớp bọc trẻ con của mình. Từng người từng người một đến nhận việc một thời gian rồi ra đi. Và cũng từng người từng người một lọt vào tầm ngắm tò mò của Caroline và "đồng bọn." Để rồi Caroline cứ tin chắc rằng rốt cuộc ông Ackroyd cũng sẽ đính hôn với một trong số nữ quản gia của mình. Người quản gia đáng gờm nhất (và cũng là người hiện tại)- cô Russel- đã làm ở đó hơn năm năm, khoảng thời gian tại vị dài hơn bất kì ai khác trước đó. Cứ ngỡ rằng nếu không có sự xuất hiện của bà Ferrars, Ackroyd chắc chắn không thoát khỏi bàn tay ma quái của cô Russel. 
     Thế nhưng mọi việc không chỉ dừng ở đó. Sự xuất hiện đột ngột của bà Cecil Ackroyd và cô con gái ở Fernly Park (nhà ông Ackroyd) càng làm cho sự tình thêm rối rắm. Cecil Ackroyd là em dâu của ông Roger Ackroyd, vốn cũng là quá phụ vì em trai của Ackroyd đã qua đời từ lâu. Hai mẹ con vượt đường xa từ Canada đến Anh chắc cũng vì một lý do mà ai cũng có thể đoán được. Cũng nhờ nhân tố và yếu tố này mà cô Russel đáng gờm đã phải dừng chân lại ở đúng vị trí của mình: một quản gia không hơn không kém.
     Tôi thì không hiểu lắm cụm từ "đúng vị trí của mình" như thiên hạ nói, bởi nghe nó có vẻ lạnh lùng xót xa quá. Nhưng tôi biết cô Russel cũng chẳng phải tay mơ. Cái môi quả ấu và sự mỉm chi đầy mùi axít của cô ấy đã đi khắp nơi trong làng để bày tỏ sự "đồng cảm tột cùng" với mẹ con bà Cecil Ackroyd, rằng "... thật tội nghiệp cho Cecil. Dù muốn ăn một phần tài sản của ông Ackroyd cũng không phải dễ. Tôi thật sự thấy thương cho bà ấy, và sẽ thấy tội nghiệp bản thân mình đến chết đựoc nếu tôi phải làm những việc trái với lưong tâm..."
     Tôi cũng không rõ bà Cecil Ackroyd đã nghĩ gì về chuyện tình cảm của anh rể và bà Ferrars. Rõ ràng nếu ông anh rể đáng kính này sống độc thân suốt đời thì người có lợi nhất chẳng ai khác ngoài bà Cecil. Tuy nhiên bà Cecil luôn tỏ ra yêu mến, nếu tôi không muốn nói là lúc nào  cũng bộc lộ tràn trề tình cảm, với bà Ferrars. Caroline bảo rằng điều đó chẳng chứng tỏ được gì cả, bởi phần đông đàn bà luôn rất giỏi trong việc che giấu lòng đố kỵ của mình.
     Đó là những gì đã xảy ra ở làng King's Abbot trước khi bà Ferrars đóng xong vai diễn của mình trong vở kịch dài hơi này. Có vẻ chúng ta đã bàn luận kĩ lưỡng về gia thế và chuyện tình cảm của ông Ackroyd từ mọi khía cạnh. Cứ mãi vòng vo với những suy nghĩ này, tôi nhận ra rằng tôi chẳng đi tới đựoc kết luận nào cả. Có lẽ điều ám ảnh tôi nhất hiện giờ là cái chết của bà Ferrars. Có thật sự bà ấy đã tự sát như Caroline nói? Nhưng chắc rằng nếu bà ấy thật sự tự tước đoạt mạng sống của mình, bà ấy phải để lại một lá thư tuyệt mệnh. Phụ nữ, theo như kiến thức và kinh nghiệm của tôi, một khi đã đi đến quyết định chấm dứt cuộc đời mình chắc chắn sẽ muốn thổ lộ bầu tâm sự cuối cùng của họ với ngừơi đời.
     Lần cuối cùng tôi nói chuyện Ferrars là khi nào nhỉ? À, cách đây chưa đầy một tuần. Lúc ấy bộ dạng bình thường của Ferrars đủ để tôi nghĩ rằng, à, nghĩ rằng mọi thứ sẽ nên là bình thường. 
      Nói đến đây tôi chợt nhớ,lần cuối tôi trông thấy bà Ferrars- không phải lần cuối tôi nói chuyện với bà ấy- chỉ mới ngày hôm qua, Tôi nhớ rõ bà ấy đang đi bên cạnh Ralph Paton, và tôi cũng nhớ rõ tôi đã ngạc nhhiên như thế nào khi nhìn thấy Ralph trong làng King's Abbot. Tôi cứ ngỡ cha con họ đang giận nhau gay lắm, bởi Ralph đã bỏ làng ra đi gần nửa năm. Ralph và Ferrars đi sát bên nhau, đầu tựa đầu, và Ferrars đang trò chuyện thật phấn khởi.
     Tôi tin rằng tôi có thể phát biểu một cách an toàn là, ngay tại giây phút tôi nhìn thấy họ, tôi bỗng cảm thấy một điềm gỡ đang treo lủng lẳng trước mắt. Điều gì đó, mặc dù tôi không thể định nghĩa, cứ hiện ra mờ mờ ảo ảo như báo rằng mọi việc rồi sẽ xảy ra đúng với những gì tôi đã chứng kiến. Sự thân thiết đi quá giới hạn của Ralph và Ferrars bỗng dưng gây ấn tượng mạnh trong tôi một cách thật khó hiểu.

Wednesday, December 15, 2010

Chương 1. Bác sĩ Sheppard ở bàn ăn sáng.

  
      Bà Ferrars chết vào giữa đêm thứ năm ngày mười sáu tháng chín. Tôi được gọi đến nhà bà ấy lúc 8 giờ sáng ngày thứ sáu hôm sau. Thật ra thì tôi chẳng cứu vãn được gì bởi bà Ferrars đã chết trước đó vài tiếng đồng hồ.
     Khi tôi trở về nhà thì chỉ mới hơn chín giờ. Tôi mở cửa trước và cố tình nán lại phòng đợi vài giây để treo nón và cái áo khoác nhẹ mà tôi mang theo để tránh cơn lạnh của buổi sáng sớm mùa thu. Nói thật ra thì tôi hơi khó chịu và lo lắng. Tôi không muốn thừa nhận rằng tôi có linh cảm sẽ có việc không hay xảy ra, nhưng thật sự bản năng trong tôi cứ hối thúc tôi tin rằng khoảng thời gian sắp tới sẽ chẳng dễ dàng chút nào.
      Tiếng lách cách của ly chén vang lên trong góc bếp cùng điệu ho khô khốc của chị tôi- Caroline.
     "James đó à?"- Caroline hỏi vọng.
      Một câu hỏi vô nghĩa vì ngoài tôi ra thì còn ai vào đây vào giờ này. Thật ra chính Caroline là lý do làm tôi chùn lại vài phút ở phòng đợi chứ chẳng ai khác. Chị Caroline luôn là nguyên nhân khiến tôi nhớ đến câu châm ngôn của gia đình chồn, cũng như ông Kipling bảo: "Đi mà hỏi". Nếu chị tôi có, lỡ như, được chọn để nhận một huy chương gì đó, tôi chắc chắn sẽ  đề xuất huy chương của họ nhà chồn. Người ta có thể lờ cái vế "đi" của câu châm ngôn trên, bởi vì chị Caroline có thể chỉ ngồi một chỗ mà vẫn hỏi được cả núi bí mật. Tôi thật sự không hiểu nổi sao chị ấy có thể làm được một điều "vĩ đại" như vậy, ngay cả khi tôi thử nghi ngờ rằng bọn người hầu và bạn hàng ngoài chợ đóng góp vào "kho tàng bí mật" của Caroline. Và khi chị ấy thật sự "đi" ra ngoài, Caroline còn làm được nhiều hơn việc "hỏi". Chị ấy còn đi kể và phát tán nữa cơ. Về khía cạnh này chị tôi đúng là một chuyên gia bậc nhất.
     Nói cho cùng thì chính cái khả năng "phát tán bí mật" này của Caroline mới là nguyên nhân sâu xa cho những cơn nhức đầu của tôi. Bất cứ việc gì tôi kể cho chị ấy nghe về cái chết của bà Ferrars chắc chắn sẽ trở thành kiến thức "phổ thông" của cả làng trong vòng một tiếng rưỡi. Cho nên tôi quyết định giữ im lặng như là cách tốt nhất để bảo vệ chính mình. Lâu ngày tôi tự hình thành một thói quen liên tục giữ bí mật với chị mình, mặc dù tôi biết chắc chị ấy sẽ, bằng cách này hay cách khác, vẫn tìm hiểu chúng cho bằng được mới thôi. Nhưng dù sao làm như vậy tôi cũng cảm thấy yên ổn hơn với lương tâm của mình.


     Chồng bà Ferrars qua đời hơn một năm về trước, và Caroline liên tục khẳng định rằng chính bà Ferrars đã thuốc chết chồng mình. Mặc dù những kết luận của chị ấy là hoàn toàn vô căn cứ. Caroline bỏ ngoài tai sự đáp lại, không kém phần khăng khăng, của tôi rằng ông Ferrars chết vì viêm dạ dày cấp tính do nghiện rượu. Triệu chứng của bệnh viêm dạ dày cấp tính và triệu chứng của người bị ngộ độc hoàn toàn không giống nhau, tuy nhiên Caroline một mực bênh vực lời buộc tội của mình bằng khá nhiều lý luận khác nhau.
     "Cậu thật sự phải nhìn bà ta." Tôi nghe giọng chị tôi rít lên.


     Mặc dù không còn trẻ nhưng bà Ferrars thật sự là một người phụ nữ quyến rũ. Quần áo bà ấy, mặc dù khá đơn giản, nhưng lại rất tích cực trong việc làm tôn lên vẻ quyến rũ ấy. Tôi thì nghĩ phụ nữ nào chẳng thích mua quần áo của mình ở Paris, nhưng đó rõ ràng không phải là lý do để họ cảm thấy cần phải thuốc chết chồng mình.


     Khi tôi vẫn chần chừ ngoài phòng đợi với những suy nghĩ vớ vẩn này lướt qua trong đầu, chị tôi lại cất tiếng lần nữa. Lần này thì nghe chua hơn:
     "Làm cái quái gì mà cậu cứ đứng ngoài đó thế James? Không ăn sáng à?"
     "Em đang tới đây"- Tôi trả lời- "Em đang lo treo nón và áo khoác."
     "Nãy giờ cậu đã có thể treo một tá nón và áo khoác rồi đấy."
     Caroline nói đúng. Tôi đã có thể treo một tá đồ trong chừng ấy thời gian.
     Tôi bước vào phòng ăn, hôn má Caroline qua loa như thường ngày rồi ngồi xuống ăn trứng và thịt xông khói. Món thịt đã hơi nguội đi.
     "Sáng này người ta gọi cậu à?"- Caroline hỏi.
     "Vâng, King's Paddock. Bà Ferrars."
     "Chị biết."- Caroline nói.
     "Sao chị lại biết?"
     "Annie kể."
     Annie là cô hầu bàn, một cô gái tử tế nhưng chỉ tội nói nhiều.
     Sự im lặng của chị tôi chỉ đủ tha cho tôi vài giây để nuốt trọn miếng trứng của mình. Tiếp đến thì cái mũi vừa dài vừa mỏng của chị tôi lại run run lên một cách tò mò.
     "Rồi sao?"- Caroline gợi.
     "Một chuyến đi vô ích. Em đã chẳng làm được gì. Bà ấy đã chết trong lúc ngủ."
     "Chị biết."- Chị tôi lại trả lời.
     Lần này thì tôi bắt đầu bực mình.
     "Làm sao mà chị biết được!"- Tôi đáp trả lại- "Ngay cả em cũng chỉ biết được chuyện này khi em đến nhà bà ấy, và em chưa nói với ai nghe cả. Nếu Annie lại biết thì cô ta chắc chắn là thánh."
     "Không phải Annie. Lão đưa sữa kể chị đấy. Lão ấy biết chuyện từ tay đầu bếp nhà Ferrars."
     Như tôi đã nói, Caroline không cần phải vác "phụng thể" của mình ra ngoài để gom góp tin đồn. Chị ấy cứ việc ngồi một chỗ và tin đồn cứ thế chạy đến chị ấy.
     Caroline lại tiếp:
     "Nhưng sao bà ta chết? Đau tim à?"
     "Lão đưa sữa không kể chị nghe về điều đó à?" - Tôi châm chích một cách thỏa mãn.
     Nhưng vô ích. Châm chích hay châm biếm gì cũng vô dụng với Caroline. Chị ấy luôn tỏ ra sốt sắng như thể những lời châm biếm của tôi là những lời gợi chuyện.
     "Lão ta không biết."- Caroline giải thích.
     Dù sao thì cuối cùng Caroline cũng biết, bằng cách này hay cách khác, lúc này hay lúc khác. Thôi thì tôi cứ trả lời.
     "Bà ấy chết vì uống thuốc ngủ quá liều."
     "Vô lý."- Caroline đớp lại ngay- "Bà ấy chủ động làm vậy đấy."


     Nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng có khi giọng nói- và cách nói của một vài người có thể làm bạn từ chối tin vào chính giả thuyết của mình. Caroline là một trường hợp như vậy. Mặc dù tôi, thật ra, cũng chẳng muốn tin lắm vào giả thuyết của mình.
     "Chị lại như thế nữa rồi. Cứ đoán già đoán non một cách vô căn cứ. Chẳng có lý do nào để bà Ferrars đi tự tử cả. Một bà góa khá trẻ và đẹp, lại còn giàu có và khỏe mạnh, bà ấy chỉ việc ngồi đó và hưởng thụ cuộc đời. Đúng là ngớ ngẩn."
     "Sai rồi. Cậu phải để ý bà ta đã thay đổi như thế nào thì cậu mới biết được. Đã sáu tháng rồi còn gì, trông bà ta cứ bơ phờ thế nào ấy. Chính cậu cũng công nhận là bà ấy phải uống thuốc ngủ đấy thôi."
     "Vậy thì chị bảo thế nào?"- Tôi hỏi một cách lạnh lùng-"Chắc là ngoại tình hả?"
     Caroline lắc đầu.
    "Cắn rứt."- Chị ấy nói một cách thỏa mãn.
     "Cắn rứt?"
     "Ừ. Nhưng cậu thì chẳng bao giờ tin tôi. Và bây giờ thì tôi càng lúc càng tin vào giả thuyết của mình."
     "Em thì lại không nghĩ là những suy luận vớ vẩn của chị hợp lý."- Tôi phản đối- "Chắc chắn rằng nếu một người phụ nữ có thể giết chết chồng mình thì bà ta cũng đủ máu lạnh để hưởng thụ cuộc sống sau đó. Chẳng có lý gì những phụ nữ như vậy lại thấy cắn rứt hay hối hận."
     Caroline lại lắc đầu.
     "Thì có những phụ nữ như thế, nhưng Ferrars là trường hợp ngoại lệ. Thật ra bà ta rất yếu bóng vía đấy. Có thể do bồng bột mà Ferrars giết chết chồng mình, vì bà ấy là loại người chỉ quen được chìu chuộng mà."
     Tôi gật đầu.
     Caroline tiếp:
     "Và kể từ đó thì Ferrars cứ bị ám ảnh bởi chính hành động giết chồng của mình. Chị thấy thật tội nghiệp bà ta."
     Tôi thì không nghĩ Caroline thật sự thấy tội nghiệp cho bà Ferrars, bởi chị ấy vốn đã không ưa bà Ferrars lúc bà ấy còn sống. Còn giờ thì bà Ferrars đã đi đến nơi không có áo lông chồn và những chiếc mũ đính hột điệu đà, nên Caroline cứ như chuẩn bị một giọng điệu thương cảm như thể họ là chị em.
     Tôi một hai bảo Caroline rằng tất cả những gì chị ấy suy đoán là vớ vẩn và hết sức bậy bạ. Tuy nhiên, trong tận thâm tâm mình tôi cũng phần nào đấy đồng ý với giả thuyết này. Nhưng thật sự thì Caroline không đúng trong việc cứ ngồi đó đoán già đoán non thay vì những suy luận có căn cứ. Tôi rất ghét sở thích lắm chuyện này của chị tôi, bởi tôi biết chị ấy sẽ đi khắp cả làng rêu rao cái giả thuyết ấy, và rồi mọi người chắc chắn sẽ nghĩ là do tôi tiết lộ những thông tin y khoa này. Cuộc sống đôi lúc thật là khó nhọc.
     "Vô lý."- Caroline lại thốt lên- "Rồi cậu sẽ thấy. Chắc chắn một trăm phần trăm rằng Ferrars đã để lại thư tuyệt mệnh và tự thú trong lá thư đó."
     "Bà ấy chẳng để lại gì cả."- Tôi nói như đinh đóng cột, nhanh đến nỗi tôi chẳng nhận ra mình đã đớp trúng lưỡi mình.
     "Ồ. Thấy chưa!"- Caroline reo- "Cậu cũng đã nghĩ tới giả thuyết đó đấy thôi."
     "Người ta lúc nào cũng phải nghĩ đến những điều như vậy khi tiến hành một cuộc điều tra." Tôi giải thích.
     "Sẽ có một cuộc điều tra cơ à?"
     "Có thể. Còn tùy. Nhưng nếu em có thể chứng minh rằng cái chết của bà ấy là do uống thuốc ngủ quá liều thì không cần thiết phải có một cuộc điều tra."
     "Cậu có thể chứng minh chứ James?"
     Tôi không trả lời. Thay vào đó là đứng dậy khỏi bàn.